Từ trung tâm xã Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An), vòng vèo qua khoảng 10km đường bê tông, đi thêm tầm 3km đường gập ghềnh xóc nảy, chúng tôi mới đến được bản Phá Lỏm. Nếu Tam Hợp là xã vùng xa của huyện Tương Dương thì Phá Lỏm là một trong những bản xa và khó khăn nhất của xã.
"Muốn gặp anh Lầu Nhia Chù phải dặn từ hôm qua. Bình thường anh ấy ở trên C5 (khu vực làm rẫy) sâu trong rừng, chỉ về nhà khi có việc cần thôi", Đại úy Nguyễn Kim Trọng, Đội trưởng vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tam Hợp dẫn chúng tôi đi qua cổng nhỏ, nép dưới tán cây me già để vào nhà anh Chù.
Anh Lầu Nhia Chù, như hầu hết đồng bào người Mông ở miền biên viễn hiếu khách, sơ mi đóng thùng gọn gàng đã chờ sẵn, vồn vã bắt tay chào từng người.
Anh Chù hồi tưởng lại thời điểm tham gia làm ăn, tiếp tế cho phỉ (Ảnh: Hoàng Lam).Thú thật, để mở lời hỏi anh Chù về quãng thời gian lầm lạc cách đây hơn 20 năm, tôi cũng khá đắn đo, sợ anh phật ý. Trái với suy nghĩ của tôi, anh Lầu Nhia Chù hồ hởi: "Ô chuyện cũ, nhiều người hỏi, tôi cũng kể nhiều rồi mà".
Dòng hồi ức đưa Nhia Chù trở lại những năm 80 của thế kỷ trước. Khi đó, cả nhà Nhia Chù từ Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) chuyển về bản Phá Lỏm sinh sống. Nhà Nhia Chù có tận 9 anh em, nghèo lắm, bữa ăn chỉ có củ sắn, rau rừng. Cái đói ám ảnh Nhia Chù và đẩy thanh niên này sa chân vào lầm lạc.
Những năm 2000, tại xã Tam Hợp xuất hiện hoạt động của một toán phỉ. Chúng ẩn náu trong rừng sâu, thỉnh thoảng tràn xuống các bản cướp bóc hoặc gây ra một số vụ việc ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở khu vực biên giới.
Anh Lầu Nhia Chù hiện nay là người đàn ông đĩnh đạc, làm kinh tế giỏi (Ảnh: Hoàng Lam).Lợi dụng địa hình, sự chia cắt của các khu dân cư, chúng thường xuyên xâm nhập vào các bản làng, xuyên tạc các chính sách của Đảng về công tác dân tộc rồi dùng tiền, lương thực... để dụ dỗ, lôi kéo bà con đi theo.
Chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Tam Hợp đóng chân trên địa bàn, một mặt tổ chức tuyên truyền vận động bà con không nghe theo kẻ xấu lôi kéo, xúi giục, một mặt tổ chức đẩy đuổi, truy quét toán phỉ ra khỏi địa bàn.
Trước sự đẩy đuổi quyết liệt của cơ quan chức năng, toán phỉ phải rút vào rừng sâu, vì thế nhu cầu về lương thực, thực phẩm, thuốc men cũng gay gắt hơn.
"Hồi đó nghèo quá, đói quá nên nghe theo phỉ, đi tiếp tế, trao đổi hàng hóa, thực phẩm với phỉ. Đi 4 ngày mới ra trung tâm huyện mua được muối, mì chính, cá khô, rồi vượt núi vào rừng sâu bán cho chúng.
Bộ đội Biên phòng cùng người dân bản Phá Lỏm làm đường giao thông nông thôn (Ảnh: H. Thượng).Gùi hàng vào cực lắm nhưng bán cho phỉ lấy tiền lãi để mua gạo, mua quần áo cho các em. Tôi nghĩ đơn giản là kiếm tiền để lo cho cả nhà thôi, không nghĩ như thế là vi phạm pháp luật, là tiếp tay cho kẻ xấu", anh Lầu Nhia Chù bộc bạch.
Năm 2002, Lầu Nhia Chù bị bộ đội biên phòng bắt giữ và bị Tòa án nhân dân huyện Tương Dương tuyên phạt 1 năm cải tạo. Không trách giận bộ đội biên phòng, trái lại Nhia Chù lại cảm thấy bị bắt và bị đưa đi cải tạo là may mắn của mình.
"Bộ đội biên phòng bắt, giải thích cho tôi hiểu việc tôi làm là sai, dù là mua bán với phỉ cũng là tiếp tế cho phỉ, để phỉ làm hại dân bản. Nghe bộ đội nói, tôi sáng cái bụng ra nhiều lắm", Lầu Nhia Chù tâm sự.
Người "gánh nhiều vai" ở bản Mông nơi biên viễnKết thúc thời gian cải tạo ở Huế, Lầu Nhia Chù trở về địa phương, được chính quyền tạo điều kiện hết mức để sớm ổn định đời sống. Lúc này, nạn phỉ dù vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn nhưng Nhia Chù nhất quyết tuyệt giao.
Hàng ngày, người đàn ông này cùng vợ lên rẫy, trồng lúa, trồng ngô, sắn. Dẫu cuộc sống còn khó khăn lắm nhưng vợ chồng Nhia Chù bảo ban nhau cùng cố gắng, trước hết là đẩy cái nghèo, cái đói đi.
Năm 2006, những tên phỉ cuối cùng bị quét sạch khỏi biên giới, Tam Hợp trở lại với sự bình yên vốn có. Lúc này, Nhia Chù cũng đã gây dựng cuộc sống ổn định, được bà con dân bản tin tưởng, yêu mến.
Bản Phá Lỏm hiện đã hoàn thành được 11/13 tiêu chí xây dựng bản nông thôn mới (Ảnh: Hoàng Lam).Năm 2007, anh được bà con tin tưởng bầu làm công an viên, kiêm phó bản Phá Lỏm. Ở vai trò nào, Nhia Chù cũng làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Cũng trong năm này, anh được Chi bộ lựa chọn, giới thiệu tham gia học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng. Thời điểm này, công tác phát triển đảng viên tại Phá Lỏm còn rất khó khăn khi chỉ có 4 đảng viên sinh hoạt trong chi bộ lâm thời.
"Lúc đầu tôi còn mơ hồ, nghĩ vào Đảng khó lắm, chắc mình không làm được đâu. Các anh trong chi bộ, trong Đảng bộ xã, các anh biên phòng giải thích cho tôi, vào Đảng là để sống tốt hơn, tiến bộ hơn, để giúp bà con trong bản ấm no hơn. À, thế thì mình hiểu rồi, nếu hồi trước mình biết nhiều về Đảng thì mình đã không đi tiếp tay cho phỉ.
Được kết nạp, tức là mọi người tin mình, yêu mình, không ai còn nghĩ tới việc chưa tốt của mình trước kia nữa. Năm 2008, tôi chính thức được kết nạp vào Đảng. Là đảng viên rồi, phải cố gắng gấp 10, gấp 100 lần nữa", anh Lầu Nhia Chù phấn chấn.
Người dân bản Phá Lỏm trồng lúa nước (Ảnh: H. Thượng).Niềm vui của anh Chù càng được nhân lên khi đến nay, gia đình anh đã có thêm 2 đảng viên nữa, là em trai và em dâu của anh.
Ông Xồng Bá Nỏ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tam Hợp, nguyên Bí thư Chi bộ bản Phá Lỏm (giai đoạn 2008-2013) cho biết: "Anh Lầu Nhia Chù là đảng viên gương mẫu, đi đầu trong tuyên truyền, vận động, đưa chủ trương, chính sách về với bản làng. Nhiều năm liền, anh Chù được Chi bộ bản Phá Lỏm, Đảng bộ xã Tam Hợp công nhận là đảng viên xuất sắc. Anh Chù cũng là nhân tố điển hình trong phong trào xóa đói, giảm nghèo và giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông".
Anh Lầu Nhia Chù cũng tự hào khi mình là "người được chọn", trở thành thầy cúng của bản. Trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông, thầy cúng có vai trò hết sức đặc biệt và được dân bản kính trọng. Bởi vậy, để làm tốt vai trò "sứ giả văn hóa tâm linh", anh Nhia Chù phải cố gắng để học văn tự cổ (qua hình thức truyền miệng), tìm hiểu và nắm rõ lịch sử, các phong tục, tập quán, nghi lễ truyền thống của đồng bào Mông.
Cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tam Hợp và Bí thư Chi bộ bản Phá Lỏm trao đổi với anh Lầu Nhia Chù (Ảnh: Hoàng Lam).Với anh, người thầy cúng không chỉ là người truyền giữ các truyền thống, phong tục của đồng bào, mà còn giúp bà con trong bản đẩy lùi các hủ tục, mê tín, cúng bái tốn kém. Đặc biệt, với vai trò thầy cúng, đảng viên gương mẫu, anh Chù tuyên truyền, vận động bà con dân bản không nghe lời kẻ xấu bỏ phong tục để đi theo "đạo lạ".
"Giờ kẻ xấu vào bản dụ dỗ là mình không nghe đâu, mình cũng nói với bà con là không nghe theo. Mình phân biệt được cái phải trái, cái nào sai là mình phản bác lại ngay", anh Nhia Chù tâm sự.
Ngoài làm rẫy, vợ chồng Nhia Chù còn chăn nuôi để phát triển kinh tế. Gia đình anh nuôi gà đen và đàn lợn đen hơn 30 con. Điều đặc biệt, người đàn ông dân tộc Mông này không bán dàn trải trong năm mà chọn thời điểm nuôi, chăm sóc để gà, lợn có thể xuất chuồng vào dịp Tết Nguyên đán, khi đó, giá của gia súc, gia cầm cao hơn, có lãi hơn.
Ngoài trồng lúa, chăn nuôi, người dân bản Phá Lỏm còn trồng gừng, nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế khá (Ảnh: Q. Hoàng).Khi tôi nhắc lại lời nhận xét của ông Xồng Bá Nỏ, anh Lầu Nhia Chù cười tươi hết cỡ. "Mình là đảng viên mà, phải gương mẫu chứ. Mà muốn bà con nghe mình, tin mình, làm theo mình, thì mình phải làm trước", anh Lầu Nhia Chù đúc kết.
Theo anh Xồng Bá Giày (36 tuổi, Bí thư Chi bộ bản Phá Lỏm), toàn bản có 127 hộ dân, 100% là đồng bào Mông, trong đó có 31 hộ nghèo. Chi bộ bản Phá Lỏm có 22 đảng viên, không có đảng viên nào thuộc diện hộ nghèo. Thời điểm này, Phá Lỏm đã hoàn thành 11/13 tiêu chí xây dựng bản nông thôn mới, cuộc sống của người dân đang từng ngày đổi thay, khởi sắc.